Tết Nguyên Đán ngày càng đến gần, không khí háo hức, nhộn nhịp ngập tràn khắp các phố phường. Việt Nam là một đất nước có nhiều phong tục tập quán, nhất là vào những ngày tết như thế này. Cùng tìm hiểu những phong tục ngày tết cổ truyền ở Việt Nam để thấy được vẻ đẹp văn hóa mà cha ông ta để lại.
Nội dung chính:
1. Dọn dẹp, trang trí nhà cửa
Tết là dịp gia đình sum họp, tiễn năm cũ và chào đón năm mới. Mọi người thường quan niệm rằng, nhà cửa có sạch sẽ, sáng sủa thì tài lộc, may mắn mới ghé thăm. Vì thế khi những ngày tết đang cận kề các gia đình đều náo nức dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ đạc cho sạch sẽ và sắm sửa thêm những vật dụng mới để trang trí cho ngôi nhà của mình. Đây là phong tục ngày tết đã in sâu vào trong tâm trí của người dân Việt Nam.
Xem thêm: những ý tưởng trang trí nhà ngày tết đơn giản mà đẹp
2. Phong tục dựng cây nêu ngày Tết
Cây nêu được dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Theo như truyền thuyết, sau khi bị con người đánh bại, quỷ đã bỏ về phía biển Đông, nhưng vẫn xin với Đức Phật hàng năm được trở về đất liền một ngày để thăm mộ tổ tiên. Và dịp mà quỷ về đó chính là dịp tết nguyên đán. Người ta dựng cây nêu để trừ tà, không cho quỷ vào nhà để quấy nhiễu.
3. Phong tục cúng ông Công ông Táo
Ngày 23 tháng Chạp cũng là ngày mà ông Công, ông Táo lên chầu trời, báo cáo tình hình một năm qua. Chính vì thế mà các gia đình đều dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, nhất là nhà bếp, mua cá vàng để cúng tiễn ông Công, ông Táo.
4. Phong tục gói bánh chưng ngày tết
Xuất hiện từ đời vua Hùng Vương thứ 18 đến nay, cứ mỗi dịp tết cổ truyền thì các gia đình lại tổ chức gói bánh chưng. Ngồi trông nồi bánh chưng cũng là một thú vui của nhiều người.
5. Chơi hoa
Mùa xuân là dịp muôn loài hoa đua nhau khoe sắc, vì thế hình ảnh ngày tết không thể thiếu được các loại hoa. Theo phong tục ngày tết người ta sẽ chơi hoa đào nếu ở miền Bắc, hoa mai nếu ở miền Nam. Ngoài ra hoa cúc, hoa ly, hoa dơn…cũng không thể thiếu trong dịp đặc biệt này.
6. Đi chợ tết
Không giống như những ngày thường, phiên chợ ngày xuân lúc nào cũng nô nức, nhộn nhịp hơn. Người ta đi chợ tết không phải chỉ để mua sắm mà còn đi để gặp gỡ, trò chuyện với nhau, đi chợ tết để tận hưởng cái không khí tết đang đến gần.
7. Thăm mộ tổ tiên
Trước tết, con cháu sẽ cùng nhau đi thăm mộ tổ tiên, dọn dẹp sạch sẽ, gọn gàng. Đây là một hành động tượng trưng cho truyền thống uống nước nhớ nguồn của cha ông ta. Tết là ngày sum vầy nên con cháu cũng mong muốn ông bà tổ tiên có thể về đoàn tụ cùng gia đình.
8. Cúng tất niên, đón giao thừa
Thông thường vào ngày 30 tết các gia đình sẽ cúng tất niên để tổng kết lại năm cũ và cùng chuẩn bị chào đón một năm mới.
Giao thừa là thời khắc thiêng liêng, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Mọi người thường thức để đón giao thừa, chứng kiến khoảnh khắc chuyển mình sang năm mới và cùng chúc nhau những điều may mắn nhất.
Trong đêm giao thừa còn có một phong tục nữa đó là cúng giao thừa. Lễ cúng giao thừa được thực hiện ở ngoài trời, chỉ cần một mâm đơn giản để cảm tạ trời đất và cầu chúc cho năm mới.
9. Hái lộc
Sau khi cúng giao thừa xong, mọi người còn đi hái lộc đầu năm với mong muốn rước lộc về nhà để cho năm mới thêm nhiều niềm vui.
10. Xông đất đầu năm
Bước sang ngày đầu của năm mới, không thể thiếu được việc xông đất. Gia chủ thường sẽ chọn những người hợp tuổi, hiền lành… để xông đất cho nhà mình với mong muốn người đó sẽ đem lại may mắn và những điều tốt đẹp cho gia đình.
11. Chúc tết và lì xì may mắn
Những ngày tiếp theo sẽ diễn ra một loạt các hoạt động như đi du xuân, đi lễ chùa, trẩy hội…
Mọi người sẽ sắp xếp đến nhà người thân, anh em, bạn bè để chúc tết nhau. Trẻ con thì chúc người lớn sức khỏe dồi dài, công việc thuận lợi, làm ăn phát đạt. Còn người lớn sẽ chúc trẻ con khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang và kèm theo đó là những bao lì xì đỏ may mắn.
12. Đi lễ chùa đầu năm
Đi lễ chùa đầu năm là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Mọi người đi lễ chùa để cầu một năm may mắn, cầu sức khỏe, tài lộc cho gia đình mình và cũng là để bày tỏ lòng thành tâm đối với Đức Phật và tổ tiên.
13. Xin chữ đầu năm
Xin chữ đầu năm cũng là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Mỗi người sẽ xin chữ khác nhau nhưng đều mong muốn một cuộc sông ấm no, hạnh phúc và nhiều may mắn hơn.
Trên đây là những phong tục trong ngày tết cổ truyền được mọi người gìn giữ và trân trọng. Những phong tục này như đã ăn sâu bám rễ vào trong suy nghĩ của người Việt và sẽ được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Hy vọng bài viết trên đây đã đem đến cho các bạn những thông tin hữu ích để chuẩn bị chào đón năm mới.